tiếng Việt giàu đẹp: Nguồn gốc từ "Chà bá"

Khi nói đến thứ gì đó to lớn, đồ sộ, người Nam Bộ, nhất là người miền Tây thường dùng từ “chà bá”. Từ này xuất hiện rất thường xuyên trong đời sống hàng ngày, như: “Cái bánh mì to chà bá vầy sao mà ăn?”, “Người đâu mà bự chá bá”; và đôi khi còn kèm thêm chữ “lửa”: “Nhẫn hột xoàn gì to chà bá lửa”. Tuy phổ biến rộng rãi là thế như ít ai biết được gốc gác của từ này.




Trong tiếng Quảng Đông có từ “tài pả” (大 把) nghĩa là “khối, cả đống” khá gần âm với “chà bá”, nhưng xét về nghĩa thì xem ra hai từ chẳng liên quan gì đến nhau.

Học giả An Chi trong chuyên mục “Tiếng Việt tinh túy” đưa ra một giả thuyết khác, cho rằng “chà bá” bắt nguồn từ tiếng Khmer “cho-băs” nghĩa là “rõ ràng”. Ở miền Tây quả thực có nhiều phương ngữ gốc Khmer, nhưng “chà bá” và “cho- băs” có sự khác biệt khá lớn về phát âm và về nghĩa, vì vậy đây chưa phải là một giả thuyết hợp lý.

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, trong quyển “Giao lưu tiếp biến văn hoá và sự biến đổi văn hoá Việt Nam” đã giảng rằng “chà bá” vốn bắt nguồn từ “chapa” trong tiếng Chăm, có nghĩa là “to lớn”. Ban đầu, chúng tôi chẳng mấy đồng tình với ý kiến này, vì từ điển “Chàm – Việt – Pháp” của G. Moussay và một vài từ điển khác đều không ghi nhận từ nào là “chapa” cả. Thế nhưng khi tìm đến Từ điển Chăm – Việt do Bùi Khánh Thế chủ biên thì mọi chuyện đã có sự thay đổi. Tư liệu này ghi chép cực kì chi tiết hệ thống từ vựng Champa, và tại trang 190 đã ghi nhận từ “chaba” (chữ a thứ hai có gạch ngang trên đầu) với nghĩa là “rắn rỏi, lớn mạnh”.  Về âm và về nghĩa, từ này đều rất gần với “chà bá”.

Như vậy, có cơ sở để tin rằng “chà bá” vốn có gốc Chăm, nhưng không phải được phiên từ “chapa” mà là “chaba”. Từ này hẳn đã được tiếp nhận bởi người dân Nam Trung Bộ trước, rồi mới di chuyển dần xuống phương nam và phổ biến rộng rãi ở miền Tây. 

Còn nói về “lửa” trong “chà bá lửa”, ta thấy đây vốn là một từ dùng để chỉ chủng loại của những con vật có màu đỏ như lửa như “kiến lửa”, “dế lửa”, “rắn hổ lửa”. Tình cờ thế nào những chủng này lại thuộc loại hung hãn, mạnh bạo hơn so với các chủng khác trong loài, nên chữ “lửa” cũng theo đó mà dần dùng để chỉ mức độ dữ dội, mãnh liệt cùng cực như trong “bà chằn lửa”. “Lửa” trong “chà bá lửa” cũng mang nét nghĩa này.
Tóm lại, “chà bá lửa” có thể hiểu là “lớn một cách dữ dội”, “lớn cùng cực”.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.