Mình rất thích bộ phim “Emily in Paris”, không chỉ vì mình thích Pháp, thích Paris thơ mộng, thích nhạc Pháp, nước hoa Pháp, thời trang Pháp, vẻ đẹp của người Pháp mà còn vì mình muốn hiểu cảm giác của một người xa lạ khi chuyển đến một đất nước mới mà ngôn ngữ bị hạn chế. Khác với Emily háo hức với cuộc sống ở thủ đô Paris diễm lệ, mình khi đến Nhật chẳng có háo hức gì. Điều mà Emily nhận thấy ở một nước Pháp hào hoa, diễm lệ là những con người với đầy đủ tính xấu, có hay có dở, có những phong tục, tập quán khác xa với đất nước cô đang sống thì cũng là điều mình thấy ở Nhật, một góc tối khác, đủ đầy sự chân thật. Nhưng những điều mà Emily thấy không phải để phán xét, để chỉ trích, để so đo: “À tưởng thế nào, nước Pháp cũng chỉ đến thế thôi”, mà là để trải nghiệm, để mở mang đầu óc và thay đổi chính mình. Không hiểu văn hoá bản địa mà vội vàng chỉ trích và chê bai chỉ làm mình bó hẹp tư duy mà thôi. Đó chỉ là cái nhìn thiển cận như câu nói “Ếch ngồi đáy giếng” ở Việt Nam hay nói vậy.

Emily được thấy một nước Pháp khác, một xã hội Pháp không hoàn hảo với những nét văn hoá đặc trưng của họ, có phần “lưu manh”, “lười biếng” và “khốn nạn”, điều này có lẽ chẳng lạ với những ai đã từng đọc các tác phẩm của Victor Hugo, Balzac... để thay vì thất vọng, chỉ trích và phán xét, cô buộc phải tìm cách thích nghi và hoà nhập. Sống ở đâu cũng vậy, nếu không hiểu, không tôn trọng và hoà nhập vào văn hoá của người bản xứ thì bạn sẽ luôn cô đơn, ở ngoài vòng xã hội.

Một bộ phim vui vẻ, hài hước, đủ lãng mạn cũng đủ chân thực nên xem không phải chỉ cho những ai yêu nước Pháp, mà còn cho cả những người nhập cư, trước khi muốn sống ở đâu phải có sự chuẩn bị nhất định, nhất là văn hoá và ngôn ngữ.

Xem phim xong mình nhận thấy, người Pháp và người Nhật rất giống nhau ở chỗ: Mặc kệ thế giới dùng ngôn ngữ gì, đến đất nước này là phải nói ngôn ngữ này. Đến đất nước này phải sống theo văn hoá của nước này. Nhưng người Nhật thì khác người Pháp, đó là họ làm dịch vụ với tất cả sự cung kính, họ không muốn làm mất lòng ai cả, kể cả bạn có phải là khách hàng hay không. Tuy vậy, đến Nhật bạn cũng sẽ gặp những phiền phức nhất định như cách làm việc và giải quyết vòng vo, cách sống khép kín cùng những văn hoá khắt khe của Nhật, nhưng điều mình nhận ra là người Pháp hay người Nhật đều có lòng tự tôn dân tộc, sùng bái văn hoá của chính họ, điều này có thể khiến họ bước ngoài lề thế giới nhưng lại là điều cả thế giới bị hấp dẫn bởi họ.

Rõ ràng đến bất cứ đâu bạn cũng sẽ nhận ra những vấn đề do khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hoá và chẳng dễ dàng gì để hoà nhập được với cuộc sống mới đấy nhưng nếu bạn cứ giữ mãi định kiến của chính mình thì cuộc sống sẽ mãi cô đơn, buồn chán và tệ hại mà thôi. Sống ở xã hội nào cũng vậy, nếu bạn không thể thích nghi để tiến lên thì bạn sẽ bị thụt lùi, bị đào thải, sống một cuộc đời tạm bợ ngoài lề với những điều tiêu cực không thoát ra được. Cô đơn trong xã hội văn minh là một nỗi cô đơn kinh khủng nhất của con người trong thời đại này.

Có đôi khi mình cũng tự hỏi chính mình về việc vì sao mình lại đến Nhật, ở Nhật có điều gì khiến mình thấy thích thú không nhưng rồi khi mình trở về Việt Nam và nhận ra mình đã nhớ Nhật rất nhiều, nhớ cả những điều khắt khe nhất mà mình từng rất ghét, lúc đó mình mới hiểu điều mà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong “Tiếng hát con tàu”:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”.

- mocdieptu

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.