Mẹ Chồng

"Tao đi từ Nam ra Bắc tao không thấy có đứa con dâu nào như mày."

"Con đi khắp cái gầm trời này cũng không có người mẹ chồng nào như mẹ."

"Tao thì làm sao?"

"Thế con thì làm sao?"

"Mày chả làm sao, mày là nhất. Đi ra ruộng thì đi luôn đi. Ban ngày thì mải đi chơi, tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay. Làm việc không khoa học chỉ có nghèo suốt đời con ạ."

"Con nghèo thì mẹ cũng nghèo theo, nên đừng có mà trù ẻo."

Ngày nào bọn tôi cũng được nghe "dân ca và nhạc cổ truyền" miễn phí từ hai mẹ con nhà bà cụ Thao.

Cụ năm nay tám mươi tuổi rồi, con dâu cụ thì hơn bốn mươi tuổi. Nghe đâu bảo ngày xưa cụ sức yếu, sảy mấy lần mới sinh được chú Tự. Vì là con cầu tự nên bà chiều chú lắm, từ nhỏ tới lớn muốn gì được nấy. Ngày chú Tự cưới cô Tin bà cụ cũng chẳng thích lắm, vì cô Tin học hết cấp một là nghỉ rồi. Nhưng chú Tự kiên quyết nên cụ phải cắn răng tổ chức lễ cưới. Cưới xong cô Tin sinh liền tù tì ba đứa con gái, cụ cứ bĩu môi mãi là đồ không biết đẻ.

Cụ bảo cô Tin, liệu mà sinh thêm thằng cu nối dõi, kẻo lúc bố chúng nó đi gái lại ngồi mà khóc. Con gái là con người ta. Cô Tin nghe thế bực mình bảo, "con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về, thế sao mẹ không đối xử tốt với con đi, con nào chả là con, con trai mẹ có ở nhà chăm mẹ đâu, toàn thân con hầu hạ." Bà cụ hừ một cái rõ dài rồi quay mặt vào tường, chẳng nói gì thêm.

Mỗi ngày đều nghe thấy mẹ chồng con dâu nhà cụ kẻ xướng người tùy, hay hơn cả xem kịch nói trên VTV1 mỗi tối thứ bảy. Hôm nào không thấy hai mẹ con cụ cãi nhau, là thấy xóm hiu hắt hẳn.

Có một sớm, tôi vừa cho kem đánh răng vào miệng, thấy bà cụ nhà bên hậm hực gào toáng lên:

"Tay tao bưng trầu, đầu tao đội lễ, tao rước mày về cái nhà này, chứ không phải con giun cái kiến nó tha mày về mà mày không biết lớn biết bé, đi không thưa về không gửi."

"Mẹ ngủ ngáy o o, đấm bảy ngày chả hự, con thưa gửi kiểu gì? Mà con đi bừa chứ đi đâu mà thưa với gửi, mẹ bớt bớt cái tính cổ hủ đi."

"A, tao cổ hủ, mày chê bà già này cổ hủ, để tao gọi chồng mày về xem nó có cho mày một trận không, mày dám chê mẹ nó à?!"

"Mẹ đi mà gọi, con chả ngán. Mẹ chửi xong rồi thì ra ăn bánh quấn đi không nguội."

"Tao không ăn."

"Không ăn tận trưa mới có cơm đấy, lát bọn trẻ về nó ăn hết lại chả kêu. Bà Tư bún làm riêng cho mẹ đấy."

"Hừ, cái con mụ Tư bún chỉ khéo mồm, bán thì đắt, mày chỉ khéo vẽ vời tốn tiền."

"Thế mẹ có ăn không?"

"Chả ăn thì sao?"

"..."

Tôi cười nuốt cả kem đánh răng.

Cả làng tôi đều biết bà cụ Thao là địa chủ hết thời, ai cũng sợ cụ. Ngày cụ còn trẻ còn khỏe, đanh đá nhất làng, chẳng ai dám động đến cụ. Thế mà không hiểu sao cô Tin chịu được những gần hai mươi năm. Nghe đâu ngày cô Tin mới về làm dâu, làm bà cụ tăng huyết áp mấy lần, cụ còn dọa thắt cổ tự tử. Thế là cô cắt ngay cái màn tuyn, nối thành cái dây dài treo thòng lòng từ nóc nhà xuống, rồi bảo cụ leo lên. Cụ tức quá chửi ầm lên, nói cô muốn giết cụ. Cô phì cười bảo là cụ tự muốn chết, nếu không muốn chết thì xuống bếp ăn cháo cá đi không nguội nó tanh. Cụ chọn cháo cá. Vừa ăn vừa hừ, hừ, hừ.

Chú Tự đi làm xây dựng mãi dưới Quảng Ninh, một năm chẳng về được mấy lần. Bà cụ tuổi già hay ốm, hay nũng, hay giận. Chỉ có cô Tin mới trị được cụ. Mỗi lần hàng xóm nói cô khổ, vớ được mẹ chồng ghê gớm, cô cười hi ha, "người già với trẻ con là một, dỗ dành một tí là ngoan như bống ấy mà." Ban đầu mọi người nghĩ cô khôn khéo ý tứ, cho là cô ba phải, sau rồi phát hiện ra cô chẳng bao giờ đi nói xấu mẹ chồng ở bất cứ đâu. Thành ra mỗi ngày thấy mẹ con cô "hát tuồng", ai cũng dỏng tai lên nghe rồi đem đi buôn bán trong những vụ dưa lê ngoài ruộng. Mà bà cụ gắt gỏng là thế, nhưng đi đâu cũng một câu con Tin nhà tôi, hai câu con Tin nhà tôi. Sau hàng xóm cũng quen, lại nghĩ chắc cô Tin và bà cụ kiếp trước là nghiệt duyên, kiếp này phải trả nợ, cả đời dính vào nhau.

Hàng ngày hai người tranh chấp toàn chuyện lông gà vỏ tỏi. Từ việc hát ru con tới việc tắm cho lợn, mà cuối cùng toàn bà cụ thua. Vừa ăn vừa thua, vừa phơi lưng cho con dâu bóp thuốc vừa lầm bầm chửi biết thế ngày xưa tao ép thằng Tự lấy đứa nhiều chữ hơn. Học nhiều nó mới ngoan. Cô Tin cười ha hả, làm gì có ai nhiều chữ bằng mẹ, văn thơ mẹ cả cái chuồng trâu nhà mình chứa không hết.

"Cha tiên sư bố mày..."

Một hôm, cô Tin cuống lên đi tìm bà cụ. Chả là không biết bà cụ nghe ai nói chú Tự có bồ. Thế là cụ bỏ ăn, nằm liệt hai ngày. Cô Tin gọi chú Tự về gấp, chú bảo bận chưa về được. Sáng hôm sau cô đi chợ, về thì không thấy cụ đâu. Cô tìm nhà trên xóm dưới, rồi hoảng hốt chạy ra ao, ra giếng, không thấy bóng người. Cô cuống lên gọi điện thoại, "mẹ anh chết rồi anh có về không hả? Không thấy mẹ anh đâu, anh về ngay còn kịp tìm xác."

Chú Tự về nhanh như một cơn gió, bốn giờ chiều đã có mặt ở nhà, hàng xóm hỗ trợ tìm cụ từ trưa không nghỉ. Thấy chú về cô khóc toáng lên, đánh chú thùm thụp, miệng liên tục sao giờ anh mới về, không thấy mẹ đâu cả, không thấy mẹ đâu cả. Thiu hết cả bánh giò rồi.

"Mới có từ trưa thiu thế nào được?"

Cả nhà: "..."

Không biết cụ chui từ đâu ra, cả người lấm lem. Cô Tin nín bặt cả khóc. Cả xóm trắng mắt. Ai nấy đều thở phào. Chưa kịp phào xong thì cụ ngã lăn quay ra đất, mọi người lại tán loạn đưa cụ đi trạm xá cấp cứu. Bác sĩ bảo cụ bị tụt huyết áp do quá đói. Rồi bác sĩ nguýt cô Tin một cái rõ dài, "đúng là một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ."

Cô Tin: "..."

Truyền được nửa chai đường thì bà cụ tỉnh lại, thấy con dâu khóc thút thít cụ xì mặt ra: "mày định khóc bây giờ cho đủ để lúc tao chết mày không khóc nữa phải không?"

Cô Tin: "..."

"Bánh giò có mang theo không?"

Cô Tin: "..."

"Biết ngay mà, chỉ có giả bộ thảo hiền là giỏi."

Chú Tự, cô Tin: "..."

Có mẹ chồng giỏi ăn nói nó khổ thế đấy.

Cô hỏi cụ, mẹ trốn ở đâu cả ngày mà tìm mãi không thấy. Bà cụ hừ một cái, trốn trên cái hố mối bãi chè sau nhà chứ đâu. Mày cứ động tí là đầu óc lú lẫn, bã đậu.

"..."

Trưa hôm sau bà cụ được về nhà. Sau khi ăn xong bát cháo gà tần thuốc bắc, cụ gõ cái gậy xuống đất, bắt chú Tự quỳ xuống trước bàn thờ ông cụ Thao. Chưa kịp nói gì cụ đã phang túi bụi.

"Con chó có đuôi, con người có ý thức. Vợ anh ở nhà bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, để anh ra ngoài ăn chơi đàng điếm hả?"

"Con không có."

"Tôi quản anh có hay không hả? Tôi là tôi biết hết, anh chê tôi già mắt kém anh định qua mặt tôi phỏng? Đường đường là thằng đàn ông, văn chương chữ nghĩa bề bề, thần l... nó ám thì mê mặc lòng. Tôi nói anh biết, nhà tôi chỉ có mình con Tin được có tên trong gia phả. Mấy con yêu tinh quạ cái kia đừng hòng bước chân vào. Anh khôn hồn thì biết đường mà về nhà hối lỗi với vợ con. Tôi chỉ có ba đứa cháu, tôi không cần cháu trai, anh thích đi kiếm con hoang con ở thì cút khỏi cái nhà này. Hừ, hừ, hừ."

Sợ bà cụ tăng huyết áp, cô Tin đuổi chú ra nhà ngoài, tối đó cô ngủ cùng bà. Sáng hôm sau cô bảo chú: "mẹ bảo tay mẹ bưng trầu đầu mẹ đội lễ mẹ rước tôi về, nên nhà này của tôi. Anh cứ chọn đi, bà cụ chả sống được mấy nữa, bà chỉ có mình anh, anh sống sao thì sống."

Nửa tháng sau người ta thấy chú Tự xách ba lô về, sau đó đi theo mấy ông thợ cả ở làng nhận mấy công trình nhà văn hóa thôn bản.

Còn bà cụ và cô Tin ở nhà vẫn cất bài ca đi cùng năm tháng.

"Thế gian được vợ hỏng chồng. Nhà mày thì hỏng cả ông lẫn bà."

"Không phải đều là con mẹ à?"

"Tao mà đẻ ra cái loại chúng bay à?"

"Thế chồng con chui ra từ cái lỗ nẻ nào?"

"Cái loại rạch giời rơi xuống chứ sao."

"Rồi rồi, con thần con thánh, sét đánh không chết. Mẹ ngồi im con kỳ lưng, trơn là ngã gẫy cổ bây giờ."

"Hừ. Hừ. Hừ." 

Nguồn: FB Suri Phương Anh

Vua Nguyễn Ánh sợ ai nhất

Vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn, đã trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử Việt Nam. Sinh ra trong gia đình đế vương nhưng ngài đã phải trải qua một thời niên thiếu không thể khủng khiếp hơn. Dù trải qua bao nhiêu lần sinh tử, cận kề cái chết nhưng chưa bao giờ ngài tuyệt vọng hay bỏ cuộc chấp nhận số phận.

Hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu


Thế nhưng, sau khi hoàn thành chuyện đại cuộc, lấy lại cơ nghiệp của tổ tiên, thống nhất sơn hà, lập nên nước Việt Nam thì ngài lại đau đầu, chịu thua trước hậu cung của mình. Chúng ta thử nghe lời tâm sự của ngài với ông quan Jean-Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) qua lời kể lại của Michel Đức Chaigneau (con trai của Jean-Baptiste Chaigneau) về chuyện hậu cung của ngài.

Khanh tưởng rằng nhiệm vụ của trẫm hoàn thành khi ngẫu nhiên chúng ta làm chóng những công việc chính trị và hành chính hàng ngày rồi trẫm tìm sự nghỉ ngơi trong nội điện của trẫm ư? Hãy giác tỉnh lại. Khanh sẽ không ngờ rằng cái gì đang đợi trẫm ở đây kia (ngài chỉ vào hậu cung của ngài) khi trẫm rời khỏi nơi đây. Ở đây trẫm được hài lòng vì trẫm được nói chuyện với những người xứng đáng, họ lắng nghe trẫm, họ hiểu biết trẫm, và khi cần họ vâng lệnh trẫm răm rắp. Còn ở đằng kia, trẫm gặp phải một lũ quỹ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng thì trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả vì trẫm không biết ai nhường nhịn ai trong cơn giận dữ.

Hoàng Đế Gia Long

Vậy tại sao ngài lại nạp nhiều “quý sứ” ở hậu cung của mình để rồi phải chịu đựng nổi thống khổ như vậy. Chúng ta lại nghe tiếp lời giải bày của ngài với ông quan Jean-Baptiste Chaigneau khi ông hỏi ngài câu hỏi tương tự. (Ngài đã phải nhỏ to đuổi hết quân lính ra mới dám trả lời ông)

Ồ! Ông C. Nếu các quan đồng liêu của khanh nghe được điều mà khanh vừa mới nói ra đó, họ sẽ trở thành những kẻ thù vĩnh viễn của khanh, khanh không biết rằng các cung phi hầu hết đều là con gái của các quan ư? Này, mặc dù số tuổi của trẫm đã đáng kể, nhưng không bao lâu nữa, một vị quan sẽ dâng hiến cho trẫm con gái của ông; trẫm không thể từ chối được. Vì nếu như thế, trẫm sẽ làm ông ta vô cùng đau đớn. Ở đây chính là một vinh dự và một sự đắc ý đối với một ông quan có con gái được vào Hoàng Cung, và đối với trẫm, đó là một sự đảm bảo chắc chắn nhất về lòng trung thành của ông ta. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn cả đàn ông

Hoàng Đế Gia Long

Thế đấy, làm người đàn ông có vợ sống ở đời đã khổ lắm rồi mà làm vua còn khổ gấp vạn lần hơn.

Mộ của Hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu


Có thật vua Nguyễn Ánh giam vợ, ném con xuống biển tại Côn Đảo?

 Sẽ không có gì để bàn nếu nguồn gốc của ngôi miếu Bà tại Côn Đảo không được dựa trên một "truyền thuyết" về chuyện Nguyễn Ánh tuyệt tình...

Ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có một ngôi miếu gọi là miếu Bà, cũng có tài liệu ghi là An Sơn miếu, nhưng phổ biến nhất là tên gọi đền thờ bà Phi Yến. Cũng phải nói ngay rằng miếu Bà là ngôi miếu duy nhất ở Côn Đảo, ngày 18/10 âm lịch hàng năm, có diễn ra lễ hội trang trọng do ngành văn hóa tổ chức. Ngôi miếu này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian của Côn Đảo. Sẽ không có gì để bàn nếu nguồn gốc của ngôi miếu này không được dựa trên một “truyền thuyết” về chuyện Nguyễn Ánh tuyệt tình, tống giam vợ, ném con xuống biển tại Côn Đảo…



Nguồn gốc miếu Bà đã được đăng tải trên mạng, được giới thiệu trong hầu hết các website, ấn phẩm, báo chí quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, và bất cứ du khách nào ra Côn Đảo, đến miếu Bà đều được nghe “truyền thuyết” sau đây:

Miếu Bà được xây lần đầu tiên từ năm 1785 để thờ bà Phi Yến, vợ của Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long. Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước.

Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Bá Ða Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “cõng rắn cắn gà nhà” để người đời chê trách. Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà.

Nhờ quân thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải (còn gọi là hoàng tử Hội An), con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất hoàng tử.

Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng Cỏ Ống để trông nom mộ hoàng tử Cải. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm bà đã tự tử để thủ tiết với chồng.

Nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc bà và đã lập nên ngôi miếu to, đẹp để thờ bà. Năm 1861, sau khi chiếm đảo, Pháp đã quyết định di dời toàn bộ dân vào đất liền để xây nhà tù. Ngôi miếu bị đổ nát dần.

Năm 1958, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ. Từ truyện tích trên mà Nam Bộ có câu ca:

Gió đưa cây Cải về trời,

Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.

Chữ cải trong lời ca trên được người ta viết hoa vì cho rằng đó là tên mà cũng là tượng trưng cho hoàng tử Cải, tương tự chữ răm cũng vậy (theo thuyết này thì Phi Yến là thụy hiệu, tên thật của bà là Răm).

Nội dung câu chuyện trên (di sản văn hóa phi vật thể) gắn với ngôi đền (di sản văn hóa vật thể) là căn cứ để di tích này được xếp hạng. Với tính chất là di sản văn hóa dân gian, miếu Bà rất được chú ý trong quần thể di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo.

Câu chuyện gắn với miếu Bà trên gần như được thừa nhận “hiển nhiên” và không ai đặt lại vấn đề vì cho rằng truyền thuyết đó đã được lưu truyền “rộng rãi từ rất lâu”, liên quan nhiều sự kiện lịch sử và quá trình bôn tẩu của Nguyễn Ánh cũng như vài tính cách mà người đời suy xét ở ông. Với sự sưu tầm còn có hạn, bài viết này muốn đặt lại vấn đề có phải miếu Bà hay An Sơn miếu ở Côn Đảo từ năm 1785 đã thờ bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh không?



Nguyễn Ánh – vua Gia Long có bao nhiêu vợ con?

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1995 thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ. Thế phả ghi rõ họ tên, lai lịch từng bà nhưng không thấy có ai tên là Răm (Lê Thị Răm) hay thụy là Phi Yến cũng như không có hoàng tử nào tên là Cải hay Hội An. Nhưng chúng ta hãy tạm tin giả định bà Lê Thị Răm và đứa con trai mới 4 tuổi của Nguyễn Ánh vì làm trái ý đã bị ông giết nên không được đưa vào Thế phả!

Nguyễn Ánh sinh ngày 8/2/1762. Ông cùng chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần phải cậy nhờ bóng tối chạy thoát khỏi thành Phú Xuân đêm 28 Tết Ất Mùi (1775) trước sự truy đuổi của quân Trịnh. Lúc ấy Nguyễn Ánh là một cậu bé 13 tuổi. Không thấy tài liệu nào nói hoàng tôn Nguyễn Ánh đã mang theo một bà vợ nào trong khi chạy trốn.

Người vợ đầu tiên của Nguyễn Ánh là bà Tống Thị Lan được “tiến cung” rồi tấn phong là “Nguyên phi” (cũng có thể hiểu là người vợ thứ nhất) trên đất Gia Định vào năm 1778. Khi ấy, Nguyễn Ánh 16 tuối, trở thành Nhiếp chính quốc sau khi Duệ Tông và Tân Chính vương bị quân Tây Sơn giết ở Long Xuyên. Người vợ thứ hai là bà Trần Thị Đang (sinh năm 1769) được tấn phong “Nhị phi”, vốn là người có công hầu hạ mẹ Nguyễn Ánh trong những ngày bà chạy trốn quân Trịnh ở An Du và đã cùng bà trốn vào Gia Định khi Nguyễn Ánh trở thành Nhiếp chính. Những bà vợ khác của Nguyễn Ánh đều được tiến cung khi ông đã là vua Gia Long (từ 1802).

Bà Tống Thị Lan sinh được hai hoàng tử là Nguyễn Phúc Chiêu (mất lúc còn nhỏ) và Nguyễn Phúc Cảnh, tức hoàng tử Cảnh được đưa sang Pháp làm con tin lúc 4 tuổi (1784). Còn Nhị phi Trần Thị Đang những ngày cùng Nguyễn Ánh phiêu dạt trước sự truy đuổi của Tây Sơn thì ngày đêm cầu khẩn xin thái bình rồi mới sinh con. Vì nếu có con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo thì bận lòng chúa thượng. Mãi tới năm 24 tuổi (1791), khi Nguyễn Ánh đã làm chủ Nam Bộ và Bình Thuận thì bà sinh được hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng). Như vậy, trong 17 năm bôn ba, Nguyễn Ánh chỉ sinh được 3 hoàng tử, trong đó Nguyễn Phúc Chiêu bị bệnh chết lúc còn nhỏ. Không thấy có bà vợ nào là Phi Yến sinh hoàng tử Cải cả.

Cũng cần nói thêm các bà vợ của Nguyễn Ánh trong thời gian ông bôn tẩu khắp nơi chưa thấy ai được ban tên thụy. Vì vậy, nếu bà Răm đã làm trái ý ông phải tội chết mà lại mang cái tên thụy Phi Yến thì không thể có chuyện Gia Long đã ban tặng sau năm 1802.

“Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là câu ca khá phổ biến ở Nam Bộ, nhưng không rõ xuất hiện trong thời kỳ nào. Có điều nếu theo câu chuyện trên thì câu ca đó phải ra đời sau khi bà Phi Yến qua đời. Ai cũng biết ẩn ý của câu ca này chủ yếu là để bày tỏ sự trách cứ người gây ra một việc gì đó rồi ra đi để người ở lại phải chịu hậu quả, điều tiếng… Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu ca chẳng ăn nhập gì với nội dung câu chuyện của bà Phi Yến và hoàng tử Cải, kể cả khi câu chuyện này là có thật đi nữa. Nhưng…

Nguyễn Ánh có tới Côn Đảo không?

Câu chuyện về bà Phi Yến và hoàng tử Cải dễ dàng được chấp nhận vì ngay trong biên niên sử của nhà Nguyễn có nói rằng Nguyễn Ánh đã chạy ra Côn Đảo tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn vào đúng cái thời điểm mà truyện tích trên “sắp đặt”.

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 2 và cả Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập viết rằng tháng 7 năm Quý Mão 1783, Nguyễn Ánh đem binh ra đảo Côn Lôn. Quân Tây Sơn biết nên đem đại đội chiến thuyền ra vây ba vòng, quân binh trùng trùng điệp điệp. Tưởng không thể thoát được nhưng may thay khi trời đang trong thì giông bão lại nổi lên nhấn chìm nhiều chiến thuyền Tây Sơn, nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được về đảo Phú Quốc.

Dù là ghi chép của các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ít nhất hai điều làm người ta nghi ngờ:

Thứ nhất, trước đó (tháng 6) Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn đánh cho tơi bời trên vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc, đến nỗi Cai cơ Lê Phước Điển phải đóng vai Lê Lai cứu chúa, Nguyễn Ánh mới thoát được. Nhiều tướng lĩnh của Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn bắt và giết. Liệu Nguyễn Ánh còn đủ thuyền bè, binh lực để vượt biển ra Côn Đảo được chăng?

Thứ hai, đảo Côn Lôn cách đất liền hơn trăm cây số, từ Đông sang Tây dài hơn 15km, nơi rộng nhất đến 9km với diện tích trên 51km2, quân Tây Sơn do Phò mã Trương Văn Đa chỉ huy làm sao đủ thuyền ghe để vây kín ba vòng giữa muôn trùng biển khơi?

Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử này ghi trong Đại Nam thực lục từ những năm 40 của thế kỷ trước đã được tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết (số 50-14 Juin 1942; số 61- 26 Aout 1942; số 67-7 Octobre 1942)… Họ đã đưa ra được những chứng cớ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không “liên quan” gì đến Nguyễn Ánh [3].

Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng là người đi sau. Vì sự nhầm lẫn của các sử gia nhà Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d‘Annam, 1582-1820 (Paris, Plon, 1919), rằng “đảo Côn Lôn” – vốn chỉ được “nghe kể chép lại”, trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc chứ không phải Côn Lôn/Côn Đảo mà mọi người đã biết – đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự. Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không đủ sức để chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà không một lần đến Côn Đảo. Vậy thì…

An Sơn miếu thờ ai?

Cho đến cuối thể kỷ 17, Côn Đảo vẫn chưa có cư dân người Việt sinh sống. Theo một số tài liệu thì trước đó hòn đảo này là địa bàn của vương quốc Châu Mạ và sau đó người Chăm từng đến đây sinh sống. Cái tên Pulau Kundur (đảo bí) mà người Pháp sau này phiên âm là Poulo condore vốn là tiếng của người Nam đảo (Malayo-polynesian).

Năm 1723, theo ghi chép của một người Pháp khi đến Côn Lôn thì lúc ấy trên đảo có khoảng 200 người. Đây là lớp cư dân đầu tiên của làng An Hải sau này. Năm 1789, Côn Đảo có “không đầy 60 gia đình đi trốn sống ngắc ngoải trong cảnh nghèo đói cực độ” (dẫn theo Phạm Xanh, Tìm hiểu quá trình hình thành một làng đảo-làng An Hải, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, 2-1987).

Thời Minh Mạng, Côn Đảo có một đội quân đồn trú thường trực nhưng phải khai khẩn đất hoang để tự túc lương thực. Minh Mạng còn ban dụ chiêu dân trong các tỉnh nếu tình nguyện ra Côn Lôn làm ăn, sinh sống thì cấp tiền vốn mỗi người 10 quan. Vì vậy, đến giữa thế kỷ 19, dân số trên đảo lên tới 1.000 người.

Cư dân đến Côn Đảo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng khi đến đây, đa số họ đều gắn với nghề biển vì các rẻo đất ven núi chật hẹp, lại phụ thuộc hai mùa mưa nắng nên rất khó bám nghề nông.

An Sơn miếu của ngư dân làng An Hải có thể đã được xây dựng trước khi thực dân Pháp biến nơi đây thành nhà tù (1862). Và có thể là nơi thờ Bà Chúa Tiên hoặc Bà Chúa Ngọc là vị thần bảo trợ cư dân miền biển và hải đảo mà cư dân phía Nam thường tôn thờ (vốn có nguồn gốc từ người Chăm). Cũng có thể đấy là đền thờ Thủy Long Thánh Phi, một nữ thần sông nước, có hai người con là Cậu và “Bà” Cậu là những vị thần cai quản các hải đảo hoặc cù lao ven sông ven biển.

Hiện nay, ở Côn Đảo vẫn còn một cái am nhỏ gọi là miếu Cậu mà người ta gán cho là đền thờ hoàng tử Cải. Nhưng đây là những phỏng đoán ban đầu, vì miếu Bà nguyên thủy đã bị ngôi miếu mới “chồng lên” từ năm 1958 để thờ bà Phi Yến. Các hoành phi câu đối mới chỉ ca ngợi đức bà chung chung, không đưa lại thông tin gì cho nhận định trên, mặc dù bức hoành phi Hán tự An Sơn miếu sơn son thếp vàng vẫn còn treo trước chính điện.

Có một thực tế là ở Côn Đảo còn lưu truyền nhiều chuyện kể dân gian. Mỗi đỉnh núi, mỗi hòn đảo, mỗi địa danh, mỗi vùng biển, mõm đá… đều có sự tích. Theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, hầu hết những câu chuyện đó đã ra đời trong thời kỳ Côn Đảo là nhà tù. Đó là câu chuyện của những người tù. Họ đã sáng tác ra chúng trong những tháng ngày bị đày ải để bày tỏ tinh thần lạc quan yêu đời và đôi khi gửi gắm tình cảm yêu nước, căm thù giặc…

***

Trở lại với truyền thuyết trên có vài điều để suy ngẫm. Câu chuyện có nhiều mâu thuẫn và thiếu lôgic. Nhưng người ta cứ tuyên truyền mỗi khi cần giới thiệu về Côn Đảo như đó là một cách để thỏa mãn việc kết tội Nguyễn Ánh.

Nguyễn Ánh được xem là một người khôn ngoan, tài trí. Dù bao phen phiêu bạt chân trời góc biển vẫn một lòng vì cơ nghiệp tổ tông. Ông biết chọn người, dùng người và giàu lòng thương quân sĩ; chí hiếu với mẹ, chí tình với vợ và rất yêu thương con cháu. Điều này không phải nghe theo một chiều từ ghi chép của Thế phả tộc Nguyễn mà người ta có thể cảm nhận được trong những ngày Nguyễn Ánh 17, 18 tuổi bôn ba trên đất Gia Định.

Giết vợ, vứt con mới 4 tuổi xuống biển đáng sợ hơn cả hổ dữ theo như câu chuyện trên làm sao thu phục nhân tâm, nhất là trong cơn biến loạn bị truy đuổi liên tục để dựng nghiệp đế vương như Nguyễn Ánh đã quyết tâm và làm được? Sự nhầm lẫn địa danh của các sử gia nhà Nguyễn đã tạo chỗ dựa cho một truyền thuyết tai hại, không lấy gì làm dễ chịu về vị vua yêu quý của họ. Các sử gia đâu biết rằng sự sai lầm đó, sau này, một lần nữa (và có thể mãi mãi) đã “giết chết” Nguyễn Ánh trên một hòn đảo đau thương nơi tận cùng đất nước?

Đảo Côn Lôn là một hòn đảo đặc biệt trong số các hòn đảo của Việt Nam. Từ năm 1862, những người dân chài ở đây đã phải ra đi sau hơn 100 năm xây dựng làng xóm để nhường chỗ cho nhà tù. Lịch sử tồn tại 113 năm của nhà tù thực dân đã phủ che lớp văn hóa dân gian hiếm hoi trên đảo để viết nên những câu chuyện khác. Những câu chuyện của nhà tù, của người tù có thể đã khác xa những câu chuyện dân gian của người đánh cá. Câu chuyện về bà Phi Yến là một truyền thuyết lịch sử, nhưng lại quá xa lạ với sự thật lịch sử đã phủ che lớp văn hóa dân gian hiếm hoi của Côn Đảo không biết còn tồn tại đến bao giờ?

Được tạo bởi Blogger.